Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

ĐINH LA THĂNG CÓ “HỒN NHIÊN NHƯ CÔ TIÊN” TRONG VỤ CHUYỂN 6, 6 TRIỆU USD ỨNG HỢP ĐỒNG SỐ 33 TRƯỚC 6 THÁNG CHO PVC ?

Phạm Viết Đào.

Ngạn ngữ: Tiền trong nhà là tiền chửa; Tiền ra cửa là tiền đẻ

Theo dõi diễn biến trong 3 ngày qua tại phiên tòa, người viết bài này cho rằng: Đinh La Thăng đã chứng tỏ được bản lĩnh của một cao thủ sừng sỏ trong nghề tài chính và nghề làm dự án theo lối “ xập xí xập ngầu”; “đắm đò giặt mẹt”…
Đinh La Thăng trưởng thành từ cán bộ kế toán của đại công trình thủy điện Sông Đà, một công trình do Liên Xô viện trợ từ khâu thiết kế đến một số vật tư vật liệu thiết yếu như sắt thép, xi măng…Cho đến nay, theo nhiều nguồn tin, đại công trình này đã không tổng quyết toán được.
Một chuyên gia cho biết: với số tiền, vật tư đổ vào xây dựng cho Sông Đà, nước khác có thể xây được 2 công trình thủy điện có công suất tương tự.
Một đội trưởng phụ trách 1 đội khoảng 30 công nhân quen biết người viết bài này cho biết: sau khi công trình hoàn thành, anh đủ tiền xây dựng được 1 ngôi nhà cho mình không do thu nhập từ tiền lương mà từ những thứ bớt xén khai gian vật tư và tiền công…
Là người từng làm trưởng đoàn thanh tra các dự án đầu tư xây dựng của Bộ Văn hóa…người viết bài này đã đúc rút ra một số bài học về nghiệp vụ: Dự án nào mà từ đầu khâu thiết kế, lập dự án, lập dự toán, tổ chức đấu thầu ngon lành; tức là bài thầu được chuẩn bị kỹ, sạch sẽ… thì sau này đến lượt khâu kiểm tra, kiểm toán, thanh tra khá nhàn, chỉ liếc qua là biệt lươn lẹo chỗ nào, sai chỗ nào là biết ngay...
Đau đầu nhất, mất thì giờ nhất, tranh cãi nhiều nhất là thanh tra phải những dự án thiết kế, lập dự toán lởm khởm, kiểu vừa đi vừa xếp hàng; Dự án lại được chỉ định thầu thì việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cực kỳ khó khăn; Đòi hỏi phải lần lại từ đầu, bóc tách từng hạng mục, từng chứng từ hóa đơn nhất là các hạng mục phát sinh thì hết sức gian truân.
Bởi 1 đời dự án các bộ phận nghiệp vụ đã triển khai trong hai ba năm còn thanh tra, kiểm toán chỉ vào vài tháng làm sao soi hết được mọi ngóc ngách và mọi hạng mục để cân đong đo đếm lại…
Đó chính là “bài vở”, “ chiêu trò làm ăn” mà PVN do “cáo già” Đinh La Thăng đã chọn để được toàn quyền múa tay trong cái túi tiền mà PVN đang nắm do từ nguồn thu hút dầu; Đinh La Thăng phải tìm cách mau chóng tiêu tán số tiền đang nóng rẫy trong túi bằng gấp gáp triển khai cái dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD…
Dự án này được giao cho PVC của Trịnh Xuân Thanh, một công ty con của PVN, một đàn em thân tín của Thăng; hội “bán trời bán biển không văn tự”, đang bết bát về tài chính do thua lỗ hay cố tình mua đắt bán rẻ, từ các dự án khác.
Trước Tòa Đinh La Thăng “giả nai”, giả đò ngơ ngơ ngác ngác làm ra bộ chỉ nhận trách nhiệm hào sảng của người đứng đầu phạm lỗi do quan liêu; Mặt khác Thăng lại ra sức mơn trớn lên giọng đầu lĩnh bảo lãnh, bảo kê cho cấp dưới?
Động thái này của Thăng nhằm che đậy một tiểu xảo được đúc kết của một anh cán bộ trưởng thành từ phong trào đoàn; Thăng biết Thăng có thể qua mặt cơ quan điều tra, cơ quan công tố về các chiêu trò tính toán gian xảo khi triển khai dự án; vì về trình độ nghiệp vụ gian độ xảo: Thăng là bậc thầy của các vị đang ở cái ghế quan tòa kia...
Thăng biết chỉ có cấp dưới của Thăng mới là những kẻ có khả năng bóc mẽ, nắm thóp những trò gian xảo cáo già của Thăng. Nếu cái đám này thành khẩn khai ra thì Thăng mới thúc thủ, cúi đầu chịu tội. Bởi Thăng là một kẻ rất sừng sỏ về nghiệp vụ kế toán; Một chủ tài khoản nếu được đào luyện từ nghiệp vụ khác thì có thể bị cấp dưới lừa, úm xỏ mũi như kiểu Thăng khai trước tòa… Những lời khai của Thăng đối với người tinh thông tài chính  sẽ hiểu được những tiểu xảo quỷ biện của Thăng.
Ngay kể cả các dựa án thua lỗ trước đó của PVC trước đó, khó tin rằng đàn em của Thăng đã qua mắt Thăng, vì Thăng từng là kế toán, từng trưởng thành từ môi trường Sông Đà được xây dựng theo lối nước sống công lính và theo tiêu chí CCCP ( quốc danh của Liên Xô được phiên dịch: các chú cứ phá). Bởi hơn ai hết, dân kế toàn là dân hiểu câu châm ngôn: “tiền có đồng, cá có con”; “đồng tiền liền khúc ruột”…
Chưa có điều kiện cập nhật thông tin đầy đủ xung quanh đại án, hiện chỉ dựa vào thông tin báo chí; xin tạm nêu ra một vài ngu kiến về những trò tiểu xảo, gian manh của Thăng thông qua những lời khai hào sảng trước tòa, có vẻ thành thật, trong sáng nhưng đằng sau đầy những tín toán mưu mô úm lừa được khối vị nhẹ dạ cả tin?

Bóc mẽ 1: Chủ trương hay “ chiêu trò” chỉ định PVC là nhà thầu thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là sản phẩm của Bộ Chính trị, của Thủ tướng hay của Đinh La Thăng ?
Trong STT của luật sư Trần Vũ Hải “Ông Đinh La Thăng bị oan”… đã viết những dòng sau đây:“Tuy nhiên theo ông Đinh La Thăng, việc chỉ định cho PVC làm tổng thầu để khẩn trương thực hiện dự án, được Thủ tướng đồng ý từ 2009 và phù hợp Kết luận 41 năm 2006 của Bộ Chính Trị về Chiến Lược phát triển Tập đoàn Dầu khí (đa ngành). Tất nhiên các luật sư của ông Thăng và ông Thăng sẽ trình các văn bản để chứng minh điều này…”
Qua những thông tin này của LS Trần Vũ Hải có thể hiểu như sau: Sở dĩ PVN chỉ định PVC làm tổng thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là do đã được Thủ tướng bật đèn xanh; Và việc “bật đèn xanh” này của Thủ tướng là phù hợp Kết luận 41 năm 2006 của Bộ Chính trị…
Hiện nay lời khai này của Đinh La Thăng đã bị các báo chính thức xóa; theo người viết bài này, Bộ Chính trị nên công khai thậm chí gửi công văn này tới Tòa bác bỏ lời khai mang tính chất đổ vấy đó của Đinh La Thăng hay hơn là việc buộc các báo xóa thông tin này khi nó được lan tỏa trên mạng. Báo mạng có thể xóa nhưng báo in thì không thể xóa. Thao tác mập mờ này gây hoài nghi không đáng có.
Qua thông tin do Ls Trần Vũ Hải đưa ra, không rõ Đinh La Thăng có văn bản, bằng chứng nào khác khẳng định việc chỉ định cho PVC làm tổng thầu là Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là chủ trương của BCT; Còn dựa vào Quyết định 41 để nói rằng việc chỉ định thầu này là phù hợp Quyết định 41 ban hành từ 2006 là sai, quỷ biện?
Khó tin từ 2006 mà Bộ Chính trị đã quyết định hay ban hành một chủ trương nào đó để Thủ tướng căn cứ vào đó để giao thầu cho PVC vào năm 2011 ? Đáng tiếc, người viết chưa tìm được Quyết định 41 nên không rõ trong quyết định này có câu dòng nào để Thủ tướng viễn dẫn.
Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng chỉ có thể ban hành các quyết định dựa vào luật pháp trong trường hợp này là luật đấu thầu. Trong Luật đấu thầu 2006 có quy định về việc chỉ định thầu một số công trình, dự án đặc thù…
Ngay cả ý kiến của Thủ tướng thì người viết bài này mới tìm được Công văn 610/TTG-KTN Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2011 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký đồng ý cho PVN chỉ định thầu một số công trình nhiệt điện nhưng lại không có tên Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 ?





Bóc mẽ 2: Chuyển 1300 tỷ tạm ứng Hợp đồng 33 vì tiến độ công việc hay chiêu trò rửa tiền ?
Có báo giật tít về Hợp động 33 nghe khá mũi mẫn sặc mùi thương cảm: Bản hợp đồng “định mệnh” đẩy ông Đinh La Thăng cùng thuộc cấp vào vòng lao lí”?

Theo người viết bài này, bản hợp đồng 33 này là một chiêu trò cố ý của Thăng nhằm: rút tiền từ túi PVN để giải cứu cho các dự án khác, để rửa tiền; Chiêu trò này được cáo trạng dùng một cụm từ khá “thân thiện”: sử dụng sai mục đích…

Bản chất Hợp đồng 33 là để giúp Thăng đem số tiền 1300 tỷ này đi chữa cháy, những đám cháy do thuộc hạ gây ra mà Thăng không đời nào không biết, không dính líu vì Thăng trưởng thành từ anh sành sỏi chuyện kiểm đến tiền-nghề kế toán… 

Theo cơ quan điều tra, đến ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.” 

(https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/ong-dinh-la-thang-toi-rat-met-3696901.html)

Liệu Đinh La Thăng có “hồn nhiên như cô Tiên” trong vụ chuyển tiền cho đàn em 1300 tỷ trước 6 tháng: Việc chuyển tiền này vi phạm pháp luật…Không có quy định pháp luật nào cho phép các nguồn tiền từ nguồn vốn nhà nươc được thanh toán, chuyền không theo hợp đồng.

Để thanh minn hành vi chuyển tiền hồn nhiên này, Thăng cãi:” “Vốn rót vào nhiệt điện Thái Bình 2 không thuộc trách nhiệm Chủ tịch PVN”?

Việc chuyển tiền trước hợp đồng này là hành vi cố ý làm trái rõ ràng thế mà Đinh La Thăng vẫn chối bỏ trách nhiệm chủ tài khoản? Bởi thời điểm 2011 là thời điểm thị trường rất khan hiếm tiền mặt, lãi suất ngân hàng cho vay giao động từ 12-18 % thế mà PVC chuyển 1300 tỷ như không, Đinh La Thăng đã đổ trách nhiệm cho Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh…

Nói về việc 30% vốn rót vào dự án nhiệt điện Thái Bình 2 là của PVN, ông Đinh La Thăng giải thích, quy mô vốn như thế thuộc trách nhiệm của Tổng Giám đốc chứ không phải Hội đồng thành viên và Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn.
“Liên quan đến công văn số 2126 xin ý kiến về việc ứng tiền cho PVC, bị cáo có nói chưa kịp đọc mà chuyển cho bị cáo Khánh giải quyết. Bị cáo Khánh là người phụ trách liên quan đến kỹ thuật chứ không phải phụ trách tài chính?” - luật sư đề nghị ông Thăng làm rõ.
Theo ông Thăng, trước đó, bị cáo đã khai báo đầy đủ. Các vấn đề liên quan tiền không thuộc trách nhiệm của HĐTV và Chủ tịch HĐTV.
“Trong các văn bản đưa lên của PVPower, 2 lần đầu, tập đoàn nhận văn bản nhưng không giải quyết, lần thứ 3 bị cáo đọc sơ qua có mấy dòng kỹ thuật nên chuyển bị cáo Khánh giải quyết, chứ đọc kỹ thấy liên quan tài chính thì đã không chuyển bị cáo Khánh” - ông Thăng trình bày.”
Trong khi đó thì Vũ Hồng Chương, Trưởng ban Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khai trước tòa:” tại cuộc họp ngày 31/3/2011, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ban quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng 33 để ký lại hợp đồng điều chỉnh chủ thể.
"Bị cáo được anh Thăng gọi lên phòng hỏi tại sao không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo bảo anh xem lại hợp đồng 33 không phù hợp quy định, không đúng với nghị định 48 của Chính phủ, đề nghị Tập đoàn hướng dẫn ban quản lý thực hiện theo đúng quy định. Khi đó anh Thăng đã cho gọi anh Sơn, (Nguyễn Xuân Sơn, Phó TGĐ PVN) và anh Khánh (Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN) lên phòng. Khi anh Sơn lên hỏi tại sao không chuyển tiền, bị cáo trả lời rằng mới ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang chưa có phòng ban ký nháy vào đó nên chưa đủ điều kiện", ông Chương khai.
Theo bị cáo Chương, lúc đó ông Thăng vội đi đâu và nói: "Tôi không biết, các ông phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án vào tuần sau".
HĐXX hỏi ông Thăng: "Bị cáo thấy thế nào về lời khai của bị cáo Chương?"
"Bị cáo tôn trọng lời khai của bị cáo Chương" - ông Thăng nói.
Việc ký Hợp đồng 33 và chuyển khoản tiền 1300 tỷ đồng trái pháp luật còn được một thuộc cấp khai trước tòa, đó là Vũ Huy Quang…
“Ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng giám đốc PVPower, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là khai do bị tập đoàn ép tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nên hợp đồng 33 ký với mục tiêu để phục vụ việc khởi công, chứ không có căn cứ để thực hiện bất cứ hạng mục nào. Hợp đồng này cũng chỉ là nêu giá tạm tính dựa trên hợp đồng cũ... 
Trước câu hỏi của chủ tọa: "Hợp đồng như vậy thì có giá trị pháp lý không?", ông Quang nói "biết rõ không có giá trị pháp lý, không đúng vẫn ký". 
"Biết sai nhưng vẫn phải ký, đúng không?', chủ tọa thẩm vấn, ông Quang nói trước khi ký đã biết không đủ điều kiện nên báo cáo tập đoàn bằng ba văn bản nêu chi tiết các vấn đề. Theo đó, PVPower đề xuất ký vào tháng 6/2011 để có thêm thời gian chuẩn bị căn cứ pháp lý, song tập đoàn chỉ đạo ký trước ngày 28/2/2011. 
Theo ông Quang, trong một cuộc họp giữa ông Thăng với PVC và PVPower, ông nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển giao dự án (từ PVPower sang PVN) cùng quan điểm đây là hợp đồng cực kỳ thiếu sót cần ký lại. Ông Thăng sau đó yêu cầu Ban quản lý mới rà lại hợp đồng…”
Một bản hợp đồng có 8 trang, Đinh La Thăng khai trước tòa là do đọc quấy quá không kỹ, giao cho Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh ký nên bây giờ đổ bể ra nên tìm cách chối bỏ đổ lỗi cho cấp dưới ? Trước tòa Đinh La Thăng không dám bác bỏ lời khai của thuộc cấp về việc bị ông Thăng ép ký và chuyển tiền vì chắc sợ cái nấy sẩy cái ung nên tìm cách vỗ về, dỗ dành cấp dưới?
Theo người viết bài này những người bị oan trong vụ án này là Phó TGĐ Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng Ban quản lý dự án Vũ Hồng Chương là những người bị “ cuốn theo chiều gió” của Đinh La Thăng…Hơn ai hết, họ hiểu được sự nguy hiểm của hợp đồng 33, họ đã thấy sự nguy hiểm của chiêu trò “rửa tiền” bằng cái hợp đồng ma mỵ số 33 nhằm mục địch chuyển tiền gian tà của Thăng, nhưng họ không cản được vì họ là cấp dưới…
Nếu báo chí, mạng xã hội có động lòng trắc ẩn thì nên quan tâm tới số phận của những người biết vi phạm pháp luật mà không chống, không tránh được do bới cái chế độ độc đoán đang lộng hành trong các cơ quan công quyền và cả doanh nghiệp nhà nước. Nhiều khi biết sai mà không dám hé răng; biết sẽ bị tù tội mà vẫn bị cuốn váo không thể thoát…
Một vài bình luận bước đầu về 3 ngày đầu đại án Đinh La Thăng !

P.V.Đ.


Không có nhận xét nào: