Kế hoạch xây dựng đập thủy điện Sambor lớn nhất trên sông Mekong của Campuchia do Trung Quốc hậu thuẫn sẽ hủy hoại nguồn thủy sản đang nuôi sống hàng triệu người và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Việt Nam, một nghiên cứu được đặt hàng bởi chính phủ Campuchia cho biết.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Viện Di sản Thiên nhiên, có trụ sở tại Mỹ, trong suốt 3 năm và mới được công bố trên website của viện. Nghiên cứu cho biết đập thủy điện Sambor “sẽ tạo ra lợi ích lớn về điện cho Campuchia, nhưng sẽ hủy hoại nguồn thủy sản của sông Mekong và nước chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất của dự án này là Việt Nam”.

Theo nghiên cứu, đập thủy điện mà Campuchia muốn xây dựng được thiết kế bởi China Southern Power Grid Co sẽ có một hồ chứa 620 km vuông, nếu hoàn thành sẽ là con đập lớn nhất trên sông Mekong với công suất lắp máy dự kiến 2.600 MW với 40 tổ máy.
Chính phủ Campuchia đang kỳ vọng rằng khi có đập thủy điện Sambor sẽ xuất khẩu điện sang Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, con đập này cùng với đập thủy điện Xayaburi ở Lào đã bị các nhà môi trường phản đối gay gắt trong nhiều năm qua.
Đập thủy điện Xayaburi của Lào , một trong những đập thủy điện được cho là đã hủy hoại môi trường. (Ảnh: Nytimes)
Đập thủy điện Sambor khi hoàn thành sẽ ngăn chặn sự di cư của cá ở Biển Hồ dẫn đến giảm khả năng sinh sản của cá. Nó cũng sẽ ngăn chặn trầm tích lòng sông bồi đắp dinh dưỡng cho các cánh đồng lúa ở Việt Nam, nơi đất nông nghiệp đang bị phá hủy do xâm nhập mặn.
Các chuyên gia tại Viện Di sản Thiên nhiên, trong nghiên cứu, đã đề nghị chính phủ Campuchia dừng dự án để tìm kiếm các giải pháp thay thế “tốt hơn” như sử dụng năng lượng mặt trời để nâng cao năng lực sản xuất điện của các đập thủy điện hiện tại.
Trí Dũng
Có thể bạn quan tâm: