Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

VNTB- ‘Nợ xấu đã giảm xuống dưới 2,46%’: Bế tắc vẫn hoàn bế tắc !

Thiền Lâm
Cali Today 
Vietnam – Cali Today News – Tròn một năm sau khi Chính phủ và Quốc hội ‘quyết tâm xử lý nợ xấu’, và gần một năm sau khi Quốc hội phải ra hẳn một bản nghị quyết về xử lý nợ xấu, một cuộc hội thảo về nợ xấu đã được các ban ngành tổ chức với thông tin hết sức đáng lạc quan: Nợ xấu đã giảm xuống dưới 2,46%.
Nhưng có thực như vậy không?
Những gì mà chính một số tờ báo nhà nước mô tả thì thực tế lại vẫn nguyên vòng luẩn quẩn.
Theo báo Người Lao Động, từ cuối năm 2017, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) đã 3 lần rao bán đấu giá dự án cao ốc văn phòng V-Ikon (quận Bình Thạnh, TP HCM) thu hồi từ Công ty TNHH Việt Thuận Thành.
Lúc đó, mức giá đầu tiên mà Agribank AMC rao bán là 373,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuộc bán đấu giá lần thứ 3, mức giá của dự án này đã giảm còn 299,05 tỉ đồng nhưng vẫn không có doanh nghiệp (DN) nào tham gia.
Tháng 10-2017, Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông báo bán đấu giá khu dân cư 584 Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP HCM) để xử lý khoản nợ xấu gần 1.100 tỉ đồng của Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584. Giá khởi điểm được đưa ra là 810,3 tỉ đồng (đã bao gồm thuế GTGT). Tuy nhiên, đến nay, việc bán đấu giá thu hồi nợ tại dự án này vẫn đi vào ngõ cụt.
Một trong những dự án đầu tiên bị “xiết nợ” sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực là tòa nhà Saigon One Tower (34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM) cũng lâm vào cảnh khó khăn khi bán đấu giá. Với diện tích 6.672 m2, Saigon One Tower gồm 1 tòa tháp đôi cao 41 tầng và 5 tầng hầm, trong đó 6 tầng khối đế có chức năng thương mại, 34 tầng chức năng văn phòng, còn lại là khu căn hộ cao cấp gồm 133 căn.
Ảnh: NDH.vn
Mới đây nhất, sau khi thẩm định giá, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá công trình và quyền khai thác công trình thuộc dự án nói trên với mức giá khởi điểm 6.110 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định sẽ rất khó để VAMC có thể bán được dự án với mức giá nói trên do giá trị tài sản quá lớn.
Trong khi đó, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã phải qua 3 lần đấu giá mới bán thành công gần 923 ha đất tại KCN Đức Hòa 3 (tỉnh Long An).
Điều đáng nói, để bán được khu đất trên, Sacombank đã phải hạ giá khởi điểm từ hơn 10.000 tỉ đồng trong phiên đấu giá đầu tiên xuống còn hơn 9.000 tỉ đồng trong phiên thứ 3 thì mới có đối tác đặt mua. Điều này có nghĩa để xử lý được khoản nợ xấu này, NH đã “bốc hơi” khoảng 1.000 tỉ đồng…
Vậy Quốc Hội sẽ phải làm gì nữa để “xử lý nợ xấu?” Liệu bản nghị quyết của cơ quan này – tiếp theo căn bệnh nghị quyết khó cứu chữa của đảng – có làm biến mất khối nợ xấu khổng lồ?
Trong thực tế, rất khó tin vào năng lực xử lý nợ xấu của Quốc Hội. Bởi có một sự thật khôi hài nhưng đáng tủi hổ là ngay cả với bản nghị quyết xử lý nợ xấu, Quốc Hội – cơ quan mang trên mình chức năng soạn thảo các văn bản pháp luật – còn không tự sáng tác được mà phải để các cơ quan của chính phủ dự thảo theo cách “cơm dâng tận miệng…”
Cần nhắc lại, vào cuối năm 2016, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Ngân Hàng Nhà Nước bắt đầu phát ra tín hiệu “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng,” với một số ngân hàng thương mại mang trên mình gánh nợ xấu khổng lồ sẽ là trọng tâm phải “xử lý” trong năm 2017.
Đến tháng Ba, 2017, Ngân Hàng Nhà Nước đã phải ban hành một thông tư “cấm đảo nợ” đối với các ngân hàng thương mại và con nợ của họ. Động tác này cho thấy đã đến lúc Ngân Hàng Nhà Nước và đương nhiên cả chính phủ của thủ tướng mới là ông Nguyễn Xuân Phúc phải tìm cách thoát khỏi mớ bòng bong nợ xấu để lại từ thời thủ tướng cũ là ông Nguyễn Tấn Dũng, cùng lúc phản ánh tâm thế của Thủ Tướng Phúc rất không muốn ông ta phải trở thành kẻ “đổ vỏ” cho những người “ăn ốc” trước đây.
Nhưng muốn thoát cảnh “đổ vỏ” lại không hề đơn giản. Có lẽ quá bí, Thủ Tướng Phúc và Ngân Hàng Nhà Nước đang muốn “kéo” Quốc Hội của Nữ Chủ Tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cùng liên đới trách nhiệm, trên danh nghĩa “cả hệ thống chính trị vào cuộc xử lý nợ xấu.”
Tương lai hầu như không cần bàn cãi là nếu không sớm xử lý được khối nợ xấu ngân hàng, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải “đội nón ra đi,” và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.
Cái chết của nợ xấu và kéo theo một phần lớn nền kinh tế quốc dân đã lồ lộ ngay trước mắt.

Không có nhận xét nào: